"Giấu nghề"...như trồng phong lan!

(Lời tác giả): Song song với công việc làm chính trong lĩnh vực Báo chí & Truyền thông, thời gian cuối tuần tôi thường gắn bó với  việc  truyền thông và tổ chức các lớp học trồng lan. Hơn 1 năm gắn bó với người trồng hoa lan, tổ chức hàng chục lớp dạy trồng lan, ít nhiều tôi cũng hiểu tại sao "ngành trồng hoa phong lan tại Việt Nam không phát triển bằng nước bạn Thái Lan". Những điều này tôi chiêm nghiệm lại sau 1 thời gian may mắn làm việc với 1 công ty nổi tiếng trong ngành hoa lan, 1 người thầy nghệ nhân giàu lòng nhân ái! 


Kết quả hình ảnh cho lan rừng đẹp

"Giấu nghề"

Phỏng vấn nhiều nhà vườn lớn, đạt hiệu suất kinh doanh cao, có lần tôi hỏi: "Nhà vườn anh trồng lan tốt như vậy là do tìm hiểu kỹ thuật từ đâu?". Anh trả lời: "Là do mài mò tự học hỏi, để thành công như hôm nay là phải thất bại nhiều lần, chết hàng ngàn cây lan do tưới sai phân, thuốc". Từ đó, anh nói thêm: "Trồng lan là do kinh nghiệm là chính. Học hỏi người này người kia về áp dụng, ai tốt thì chỉ đúng, ai chỉ sai thì coi như mình xem đó là bài học. Vì vậy, tôi quan niệm rằng trồng lan thì nên tự mài mò, chứ không ai mà chỉ hết "chiêu thức" để bạn trồng phong lan thành công ngay vừa mới bắt đầu.

Lần khác, một bạn đọc yêu thích những bài viết về cách pha phân bón để kích hoa lan Dendro dịp Tết, người đó điện thoại tôi và hỏi "Liệu rằng, anh chỉ như thế có mục đích gì hay muốn "đánh lạc hướng" như một số nhà vườn "giấu nghề" khác?".

Tôi cười và trả lời: "Anh cứ lấy 1 cây Dendro trưởng thành, đứng lá ngọn nhưng rẻ tiền, rồi áp dụng thử đi".

Một tháng sau, anh gọi điện thoại cám ơn tôi và vui mừng vì áp dụng thành công cho vài chục cây lan chơi Tết.


Tác giả chụp ảnh cùng nghệ nhân Tám Ngọc

Cạnh tranh "cùng chết"

Do tổ chức các lớp học trồng lan, nên tôi có dịp gặp gỡ nhiều người yêu thích và kinh doanh trong lĩnh vực này. Mai mắn hơn là tôi có dịp tiếp cận với những kiến thức, kinh nghiệm của nhiều nghệ nhân hoa lan tên tuổi truyền lại. Nhờ vậy mà tôi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người yêu thích lan.

Người trồng vì đam mê: Họ thích lan phát triển theo ý mình, muốn cây Giả hạc đến mùa rụng lá và ra hoa đồng loạt như trong rừng; người trồng vài chậu Hồ điệp trên sân thượng muốn cây của mình không bị thối nhũn,...như vậy là họ đã vui sau những giờ làm việc căng thẳng.


Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng

Tác giả bài viết

Còn nhà vườn trồng kinh doanh thì khác: Họ mong muốn làm sau để cây lan mình phát triển nhanh nhất, ra hoa đẹp nhất và nhiều người mua nhất! Đó là khao khát chính đáng.

Tuy nhiên, khao khát này đã tự "giết" vườn của chính họ.

Hai nhà vườn trồng Mokara cắt cành, cùng 1 khu vực  chia sẻ với tôi: "Hoa nhà vườn A.K thay vì bán 10 ngàn đồng 1 cành, nay nó hạ xuống 9 ngàn làm tao mất "mối". Cho nên giờ tao hạ xuống 8 ngàn 500 đ cho bên nó khỏi làm ăn".

Rồi hai vườn cứ thế cạnh tranh bằng việc hạ giá, giá cứ hạ, vườn hoa cứ thế thua lỗ nặng nề.

Hướng đi nào để cùng phát triển?

Tháng 9/2016, tôi có dịp tìm hiểu để quay kỹ thuật trồng các vườn lan tại Thái Lan về áp dụng cho các nhà vườn tại Việt Nam. Tại đây, quy mô trồng hoa lan rất lớn, các hộ thông thường có từ 1-3 hecta, còn các vườn của doanh nghiệp hoa lan có diện tích từ 15-20 hecta là chuyện bình thường. Vì thế, sản phẩm hoa lan họ tạo ra có số lượng cao và bảo đảm không thiếu hàng.


Tác giả (người ngoài cùng bên phải) đang ghi lại những hình ảnh tại vườn STK - Thái Lan

Khâu nghiên cứu, chọn lọc và lai tạo giống ở Thái Lan làm rất tốt. Họ đã có rất nhiều công ty tư nhân, viện nghiên cứu tham gia vào việc lai tạo các giống mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước và đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Như Công Ty Chao Praya Orchid, người ta đã làm tốt công tác sưu tập quỹ gen, định hướng chọn tạo giống hoa lan rất rõ. Hiện nay, xu hướng ở Thái Lan đang đi vào việc chọn các giống hoa lan có hương thơm, cây vừa phải, nhưng có thể trưng trong phòng với các loại hoa lan có bông nhuyễn, nhỏ nhưng nhiều bông và màu sắc rất đẹp.

Còn đối với Việt Nam, giống hoa lan đặc trưng vẫn chưa có, hầu như phải nhập ngoại; Quy mô sản xuất nhỏ lẻ; Kỹ thuật trồng còn chưa tốt; Rất cần những chính sách hỗ trợ đầu ra cho ngành phong lan của Nhà nước,...



Mô hình liên kết trồng phong lan tại Thái Lan gây ấn tượng với tôi

Đó là những việc, mà khi bạn muốn trồng phong lan để kinh doanh phải nghĩ đến. Chứ không phải là làm sao "cạnh tranh" với những nhà vườn khác bằng việc giấu nghề, hay phá giá,...

Thay cho lời kết của bài viết này, tôi tin ít nhiều mọi người yêu lan cũng thừa nhận rằng, lĩnh vực trồng phong lan của nước ta còn gặp một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, để phát triển thì mọi người nên bỏ quan niệm giấu nghề, hãy chia sẻ để cùng nhau đi lên, chứ không phải đè nhau mà đi lên. Tôi tin rằng, nếu có sự đoàn kết, hợp tác từ những nhà vườn trồng phong lan trong việc lai tạo giống, hỗ trợ kỹ thuật, tìm giải pháp đầu ra thì việc phát triển ngành hoa lan của Việt Nam sánh bằng nước bạn Thái Lan là điều không phải "nằm mơ giữa ban ngày".

Duy Phong

(Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả)



Nhận xét